Trong mắt đồng đội và đối phương bên kia chiến tuyến Nguyễn_Tài

Trong chiến tranh Việt Nam, có hàng trăm vạn người Việt Nam bị chính quyền Việt Nam Cộng Hòa và Hoa Kỳ bắt giam, tù đày và tra tấn, nhưng Nguyễn Tài được cho là người được các tác giả Mỹ đề cập đến nhiều nhất. Họ gọi ông là “Người trong xà-lim trắng toát” (The Man in the Snow White Cell).

Đặc biệt, Frank Snepp - chuyên viên CIA thẩm vấn ông trong thời gian lâu nhất, được CIA thưởng Huân chương công trạng về tình báo (Intelligence Medal of Merit, ngày 16-12-1975) - giữ nhiều ấn tượng sâu đậm về ông. Hugh D.S.Greenway kể: “Sau chiến tranh [ở Việt Nam], Snepp rời khỏi CIA, nhưng anh ta không thể đưa Tài ra khỏi tâm trí của mình. Anh ta sang Paris để nói với phái bộ Việt Nam [ở Pháp] rằng Tài đã xử sự một cách đáng kính trọng và đã chết một cách dũng cảm (Tai had comported himself honorably and died bravely)”.

Năm 1977, Snepp dành hẳn một chương trong cuốn hồi ký Decent Interval để kể chuyện ông Tài. Cuốn hồi ký này là một trong những nguyên nhân để Ban bảo vệ Trung ương xem xét lại hoạt động ngồi tù của ông. Sau đó, trong một số bài phỏng vấn, Sneep cảm thấy hối tiếc và dành thái độ tôn trọng, khâm phục Nguyễn Tài.

Vào ngày 27-4-2009, gần tới dịp kỷ niệm lần thứ 34 ngày giải phóng miền Nam, Snepp viết trên báo Los Angeles Times một bài nhan đề “Bị quá khứ tra tấn” (Tortured by the Past) thuật lại thời gian thẩm vấn ông Tài.

Những người Mỹ khác, tuy không chia sẻ lập trường chính trị của ông, họ vẫn dành cho ông nhiều từ tốt đẹp như “một cán bộ Cộng sản tận tâm” (a dedicated Communist cadre), “kiên quyết” (determined), “một người từng trải, thông minh, được đào tạo tốt” (sophisticated, intelligent, well-educated man), “một người cứng cỏi không dễ gì làm suy yếu” (a tough nut to crack)...

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, người từng có thời gian hoạt động chung với ông trên chiến trường miền Nam, nhận định: “Quá trình hoạt động cũng như quá trình đấu tranh kiên trung, mưu trí khi bị địch bắt trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ của đồng chí Nguyễn Tài cho thấy đồng chí thực sự xứng đáng là một anh hùng”.

Nhắc đến Nguyễn Tài, không chỉ nhắc đến người Cộng sản trung thành với chế độ Hà Nội, giữ vững niềm tin trong suốt thời gian cầm tù của đối phương, mà còn phải nhắc đến 4 năm bị đình chỉ chức vụ, bị nghi oan là làm việc với CIA, 11 năm ròng rã, đòi lại chân lý và công bằng của ông.

Nhận định đó được nhiều người tán thành.